Loading...
 

Nhận xét hiệu quả

 

Nhận xét hiệu quả

Alexander Hristov

 

Như bạn có thể đã thấy, nhiều vai trò liên quan đến việc nhận xét người khác. Điều quan trọng cần lưu ý là "nhận xét" có nghĩa là "đưa ra phản hồi mang tính xây dựng" để người được nhận xét có thể cải thiện theo những cách cụ thể. Nhận xét không khi nào là phán xét hay chỉ trích người khác.

Vai trò của Người nhận xét bài nói là một trong những vai trò quan trọng nhất ở Agora. Bạn sẽ cung cấp cho thành viên đồng nghiệp của mình cái nhìn sâu sắc cần thiết để giúp họ phát triển trên lộ trình giáo dục của mình.

Bất kỳ ai cũng đủ điều kiện làm Người nhận xét bài nói.

 


Bosco Montero đang nhận xét một bài nói tại cuộc họp của Agora Speakers Madrid
Bosco Montero đang nhận xét một bài nói tại cuộc họp của Agora Speakers Madrid

Một câu hỏi mà Người nhận xét bài nói thường hỏi là: "Tôi có đủ kinh nghiệm để làm Người nhận xét bài nói không?" hay "Tôi chỉ mới hoàn thành một vài bài học, thì liệu có đủ điều kiện để làm Người nhận xét bài nói cho một bài học nâng cao không?"

 

Thường thì ngụ ý ở đây là vì bạn chưa thuyết trình đủ nhiều, nên bằng cách nào đó bạn thiếu kiến thức hoặc kinh nghiệm để làm giám khảo cho bài nói của người khác.

Tuy nhiên, đó là sự lầm tưởng. Ví dụ, hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn đi xem phim với một người bạn. Bạn có nhận xét gì về bộ phim hay diễn xuất sau khi rời rạp chiếu không? Tôi có thể cá rằng những điều đầu tiên bạn nói với bạn của mình sau khi bộ phim kết thúc sẽ đại loại như là: "Ôi, phim hay thế. Tôi thích cảnh... " hay "Eo, bộ phim kinh khủng quá. Diễn xuất quá tệ”. Chưa hết, bạn không phải là một nhà làm phim chuyên nghiệp, cũng không phải là biên kịch hay diễn viên.

Điều này cũng đúng với nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta - chúng ta đi đến một nhà hàng, và chúng ta nhận xét về món ăn ngay cả khi đến một quả trứng đơn giản mình cũng không thể chiên mà không để lại bãi chiến trường trong bếp. Chúng ta đi xem một vở kịch, và chúng ta nhận xét về cốt truyện, diễn xuất, ngay cả khi mình chưa học qua trường kịch. Chúng ta đi xem một trận đấu bóng đá và chúng ta nhận xét về cách từng cầu thủ thể hiện ngay cả khi mình chưa bao giờ chơi bất kỳ môn thể thao nào.

Lý do cho tất cả những điều này là chúng ta không nhận xét từ quan điểm chuyên môn.

Mục tiêu của Nhận xét bài nói không phải là để đánh giá diễn giả từ góc độ của một số tiêu chí học thuật hay chuyên môn.

Mục tiêu của Nhận xét bài nói là đưa ra ý kiến của bạn về diễn giả và bài nói từ góc độ là một thành viên trong khán giả.

Là một thành viên trong khán giả, bạn biết những gì mình đã thấy, biết những gì mình đã nghe và biết bài nói đã khiến bạn cảm thấy như thế nào. Và bạn có cả đời kinh nghiệm nghe các bài nói trong đủ mọi ngữ cảnh.

Cũng nên nhớ rằng, với tư cách là Người nhận xét, bạn chỉ đơn thuần đang bày tỏ ý kiến riêng của mình.

Mục tiêu của bạn khi là Người nhận xét

Là người nhận xét bài nói, bạn có ba mục tiêu chính:

  • Tạo động lực cho diễn giả. Mọi diễn giả đều là con người, và họ có cùng sự lo âu cũng như nhu cầu được chấp nhận như bất kỳ ai khác. Ngay cả khi một diễn giả rất giỏi và bộc lộ sự tự tin, họ vẫn sẽ có cùng những nghi ngờ và sợ hãi bên trong - "Tôi đã làm đúng chưa?", "Tôi có thuyết phục không?", "Mọi người ở đây nghĩ gì về tôi?", "Họ có nhận ra tôi đã mắc phải sai lầm này, sai lầm kia không?”. Sự khác biệt duy nhất giữa một diễn giả giỏi và một người mới khi nói đến những nỗi sợ hãi này là cách họ kiểm soát và đối phó với chúng. Vì vậy, mọi diễn giả sẽ đều quý trọng việc được công nhận và khích lệ bằng cách chỉ ra những điều tích cực họ đã làm được.
  • Giáo dục diễn giả và khán giả. Là một Người nhận xét, bạn cần chỉ ra những gì có thể được cải thiện và tại sao những điều đó lại quan trọng. Đừng chỉ nói: "Tôi sẽ sử dụng đa dạng ngữ điệu hơn một chút". Hãy giải thích tại sao đa dạng ngữ điệu lại quan trọng nói chung và đối với bài học cụ thể đó. Việc giải thích dành cho diễn giả, nhưng cũng là để giáo dục khán giả, vì một trong những cách chính để chúng ta học hỏi là quan sát những gì người khác làm.
  • Giúp diễn giả cải thiện. Mọi diễn giả đều muốn cải thiện, và điều đó càng đúng với diễn giả giỏi. Nếu không thì họ đã tính phí diễn thuyết tại các hội nghị thay vì tham gia câu lạc bộ! Để Giúp một diễn giả cải thiện, bạn cần cho họ những lời khuyên cụ thể và có thể hành động: những điều mà - theo bạn - họ đã có thể làm tốt hơn hoặc theo cách khác để cải thiện hiệu quả bài nói của mình.

Đây không phải là tôi đang gợi ý bạn nên nhớ những điều này như mấy mục tiêu "nhàm chán", nhưng nếu chúng hữu ích, hãy áp dụng.

 

Người nhận xét phải làm gì - Trước cuộc họp

Để trở thành Người nhận xét hiệu quả, bạn cần biết ai sẽ là người thực hiện bài nói và bản thân bài học. Ngay cả khi bạn đã "tình nguyện" nhận vai trò Người nhận xét ngay tại cuộc họp, thì vẫn luôn có một khoảng thời gian trước khi cuộc họp bắt đầu để cố gắng thực hiện ít nhất các bước sau.

 

1. Đọc về bài học

Đọc hết phần mô tả bài học mà diễn giả sắp trình bày. Đặc biệt chú ý đến các mục tiêu học tập và mục tiêu trọng tâm. Đây là những đúc rút chính cho diễn giả từ bài học.

 

2. Xác định bối cảnh

Tất cả các Nhận xét nên được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh cụ thể trong khi nhận xét. Bối cảnh bao gồm những thứ như:

  • Mục tiêu bài học
  • Mục tiêu chung của lộ trình giáo dục mà diễn giả đang theo
  • Trình độ của diễn giả
  • Sở thích cụ thể của diễn giả
  • Địa điểm
  • Thời gian
  • Các sự kiện diễn ra trước và sau đó

Một ví dụ về cách bối cảnh ảnh hưởng đến một nhận xét tốt đó là xét trình độ của người nói. Khi ai đó bắt đầu nói trước công chúng, phản hồi về các yếu tố cơ bản như giao tiếp bằng mắt tốt với khán giả có thể khá rộng và được giải thích chi tiết. Ví dụ: "Trong khi nói, bạn đã không nhìn nhiều lắm về phía bên trái khán giả. Giao tiếp bằng mắt tốt với tất cả các thành viên là điều quan trọng vì nhiều lý do - nó ngay lập tức thu hút sự chú ý của người bạn đang nhìn, bạn truyền cảm giác tự tin và uy quyền, đồng thời tạo nên một bầu không khí thân thiện như đang trò chuyện riêng với người đó".

Nếu thay vào đó, diễn giả là người có kinh nghiệm, đã trải qua 20 bài học, thì những điều trên sẽ dư thừa và gây lãng phí thời gian quý báu lẽ ra có thể dành cho việc đi chi tiết vào những vấn đề diễn giả ít biết đến. Lưu ý rằng nói vậy không có nghĩa là bạn không nên đề cập chút nào đến việc đó. Hoàn toàn ngược lại, tất cả các diễn giả - ngay cả những người rất giỏi - đôi khi vẫn mắc những lỗi cơ bản. Vì vậy, hãy chắc chắn nói điều gì đó như "Trong khi nói, bạn đã không nhìn nhiều lắm về phía bên trái khán giả", nhưng đừng chăm chăm vào nó - một diễn giả giỏi đã biết điều đó rồi.

Ngoài ra, các diễn giả có kinh nghiệm thường muốn nhận được nhiều hơn những gợi ý để cải thiện, trong khi các diễn giả mới cần nhiều lời động viên hơn và chỉ một vài mẹo để cải thiện tại một thời điểm.

Địa điểm cũng là một bối cảnh quan trọng. Diễn giả giỏi cần phải thích nghi với những địa điểm tồi:

  • Bố cục - Đôi khi, địa điểm tổ chức rất tệ vì khán giả không tập trung ở một chỗ duy nhất mà ngồi rải rác theo nhiều bố cục khác nhau. Diễn giả giỏi phải đảm bảo hướng đến và thiết lập giao tiếp bằng mắt với tất cả khán giả bất kể họ đang ngồi đâu.
  • Âm thanh - Một số địa điểm có âm thanh tệ và một diễn giả giỏi phải bù đắp điều đó bằng cách nói to hơn nữa.
  • Ánh sáng - Đôi khi đèn quá mờ và diễn giả phải nhấn nhá thêm để tránh việc mọi người buồn ngủ. Đôi khi đèn quá sáng, điều này sẽ là vấn đề nếu diễn giả sử dụng các phương tiện hỗ trợ trực quan hoặc thiết bị trình chiếu.
  • Nhiệt độ - Nếu địa điểm không có nhiệt độ, độ ẩm hoặc thông gió thích hợp, mọi người sẽ tập trung hơn vào sự khó chịu của mình, đòi hỏi diễn giả phải cố gắng nhiều hơn để giữ sự chú ý của khán giả. Một diễn giả giỏi đôi khi có thể đề cập thích hợp (thường là hài hước) đến những yếu tố đó và kết nối ngay lập tức với khán giả cùng khuynh hướng tích cực trong họ một cách dễ dàng.

Ngày và Giờ trong ngày cũng là những yếu tố cần thiết trong một bài nói, mặc dù, trong môi trường câu lạc bộ, chúng tương đối cố định vì hầu hết các câu lạc bộ đều họp vào cùng một thời điểm trong cùng một ngày trong tuần. Tuy nhiên, đối với các dự án bên ngoài câu lạc bộ và trong đời thực nói chung, một bài nói thực hiện vào sáng sớm thứ Hai không giống với một bài nói vào thứ Sáu trước khi ngày làm việc gần kết thúc và mọi người đã có tâm thái sẵn sàng rời khỏi địa điểm nơi bài nói được thực hiện. Một bài nói lúc 8 giờ sáng không nên giống với bài nói được thực hiện ngay trước hoặc sau bữa trưa.

 

3. Liên hệ với diễn giả

Là người nhận xét, công việc của bạn bắt đầu từ lâu trước cuộc họp. Nhiều diễn giả có các mục tiêu bổ sung của riêng mình trong mọi bài học. Nhiều diễn giả muốn đảm bảo rằng họ đã học hỏi và đưa vào thực hành những điều cụ thể từ các bài học trước. Sẽ rất ích lợi nếu ai đó chỉ ra cho họ biết họ đã thành công (hay chưa) như thế nào trong những việc đó. Có thể diễn giả có thói quen nhìn quá nhiều về phía bên trái khán giả? Có thể diễn giả có thói quen đi đi lại lại trong suốt bài nói? Có thể diễn giả muốn đảm bảo rằng cách trình bày của mình rõ ràng? Rằng mọi người ở phía cuối căn phòng nghe được tiếng họ?

Vì những lý do đó, hãy liên hệ với diễn giả trước cuộc họp và hỏi họ xem có muốn bạn chú ý đến điều gì đặc biệt, ngoài các mục tiêu của bài học hay không.

 

4. Soạn trước nhận xét của bạn

Mặc dù chưa nghe bài nói, bạn có thể quyết định chiến lược nhận xét của mình trước cuộc họp và viết trước cấu trúc chung của nó. Ví dụ, bạn có thể quyết định trước rằng mình sẽ mở đầu bằng một nhận xét tích cực về cách bạn nhớ phần mở đầu của diễn giả đó. Hoặc bạn có thể quyết định mở đầu bằng cách nói về kinh nghiệm cá nhân của mình về bài học cụ thể đó. Một thành viên đồng nghiệp thường bắt đầu mọi nhận xét của mình bằng câu "Bài nói của bạn khiến tôi nhớ về.... ", và sau đó tiếp tục bằng một câu chuyện cá nhân ngắn gọn.

Bạn cũng có thể chọn một số trích dẫn có thể áp dụng cho một bài học cụ thể. Ví dụ: đối với bài học "Phát triển bài nói", trong đó trọng tâm chính là sử dụng ngôn ngữ hiệu quả khi soạn bài nói, tôi muốn đưa vào trích dẫn sau của Antoine de Saint-Exupery:

"Nếu bạn muốn đóng một con tàu, đừng khua mọi người đi kiếm gỗ và đừng giao cho họ nhiệm vụ, công việc, mà hãy dạy họ khao khát sự mênh mông vô tận của biển cả.”

Câu trích dẫn này giúp minh họa nhu cầu sử dụng ngôn ngữ truyền tải những hình ảnh và cảm xúc mạnh mẽ đến khán giả.

Hãy nhớ rằng bản thân Bài nhận xét cũng là một bài nói, và nó nên có tất cả các thuộc tính của một bài nói hay - cấu trúc, thông điệp, sự rõ ràng, nhịp độ, v.v.

Bạn cũng có thể viết trước các mục chính mình muốn tập trung vào, và có thể viết trước một số từ khóa mà sau này bạn sẽ chỉ gạch dưới hoặc gạch chéo (một số thích viết dấu "cộng" và "trừ") tùy thuộc vào cách diễn giả trình bày. Bất cứ điều gì bạn có thể làm để tiết kiệm thời gian viết ra những ấn tượng của mình trong quá trình diễn ra bài nói đều được hoan nghênh, vì nó sẽ cho phép bạn có nhiều thời gian hơn để tập trung vào bài nói.

Người nhận xét phải làm gì - Trong cuộc họp

 

Ngồi ở đâu.

Bạn nên ngồi ở vị trí trung lập, không đắc địa. Đừng bị cám dỗ ngồi ở hàng ghế đầu để "nhìn và nghe" diễn giả cho rõ, bởi vì đó không phải là cách mà khán giả nhìn chung sẽ cảm nhận. Hãy nhớ rằng là Người nhận xét, bạn không phải là vị giám khảo chính thức nào đó cho một buổi trình bày có ý kiến quan trọng hơn bất kỳ ai khác, mà chỉ là một thành viên của khán giả được phép công khai quan điểm của mình trong một bài nhận xét nhỏ.

 

Lắng nghe kỹ càng

Không cần phải nói, để nhận xét một Bài nói, bạn phải lắng nghe nó, và lắng nghe rất kỹ. Hy vọng lúc này bạn đã viết ra trước những điều mình sẽ tập trung vào, nên không mất thời gian ngồi viết nữa. Hãy quên đi đồ ăn, đồ uống, điện thoại di động, hàng xóm của bạn ngồi dưới khán giả hay thành viên mà bạn phải lòng... Quên đi mọi thứ khác.

 

Ghi chép

Bất kể bạn nghĩ trí nhớ của mình tuyệt vời đến đâu, nó không phải vậy. Đừng tự lừa dối bản thân khi nghĩ rằng bạn sẽ nhớ nói điều này điều kia về bài nói - hãy viết nó ra giấy. Đặc biệt, hãy ghi lại khi chúng nảy ra:

  • Bất kỳ trích dẫn hay câu nói cụ thể nào bạn thấy đặc biệt hay hoặc đáng nhớ.
  • Bất kỳ cử chỉ hoặc chuyển động cơ thể nào rất phù hợp để hỗ trợ thông điệp chính (hoặc ngược lại, cảm giác lúng túng, cường điệu hoặc lạc lõng).
  • Bất kỳ phương tiện hay đạo cụ trực quan nào nổi bật hoặc đã không được sử dụng thành công cho lắm.
  • Nói chung, bất kỳ yếu tố nào tuyệt vời (hoặc ngược lại) trong toàn bộ bài thuyết trình.

 

Khi ghi chú, nhớ viết sao cho bạn có thể đọc lại được chúng! Hơn một vài người nhận xét đã phải đau khổ trên sân khấu vì không thể đọc được chữ viết tay của chính mình.

Một lời khuyên tốt nữa là viết chữ to. Điều này sẽ cho phép bạn đọc dễ dàng, đặt ghi chú xuống, không cầm trên tay. Bạn có thể đặt chúng trên bục giảng hoặc trên một chiếc ghế ở hàng đầu tiên và đọc chúng từ xa.

Trong khi bạn đang ghi chú, cũng hãy quyết định mức độ quan trọng của từng vấn đề mình viết ra. Bạn sẽ không có thời gian nói tất cả mọi điều muốn nói trong bài nhận xét của mình. Vì vậy, một kỹ thuật tốt là gán ký hiệu quan trọng cho bất kỳ quan sát nào (ví dụ một số người thích sử dụng "+", "++" và "+++", tương tự với "-" cho các điểm cần cải thiện), và sau đó viết nhanh dàn ý những điều bạn muốn nói khi bài nói kết thúc.

 

Thể hiện bạn quan tâm

Mặc dù không nên như vậy, nhưng diễn giả thường chú ý đến người nhận xét hơn những khán giả còn lại. Trong chừng mực nào đó, điều này là tự nhiên và không vấn đề gì cho lắm. Nhưng nó thực sự đặt thêm trách nhiệm lên vai bạn. Bạn nên thể hiện mình quan tâm đến bài nói bằng cách giao tiếp thêm bằng mắt, có những cử chỉ tán thành nhỏ như gật đầu và ủng hộ khi sự ủng hộ rất quan trọng - ví dụ khi diễn giả kể một câu chuyện cười hay một giai thoại hài hước.

 

Những điều không được nhận xét

Trong khi nghe bài nói, luôn là điều tốt khi không chỉ nhớ những điều được nhận xét mà cả những điều không được nhận xét:

  • Việc lựa chọn nội dung thường không được nhận xét, ngoại trừ cho biết nội dung đó liên quan như thế nào đến việc đạt được các mục tiêu của bài học. Ví dụ: nếu bài học là về Ngôn ngữ cơ thể, thì bạn có thể nhận xét về việc lựa chọn chủ đề có mang lại nhiều cơ hội thể hiện Ngôn ngữ cơ thể hay không. Ngoài việc đó ra, diễn giả được tự do lựa chọn chủ đề mình muốn nói.

 

  • Nội dung thường không được nhận xét ngoại trừ trong một số bài học rất đặc thù. Ngay cả khi bạn không đồng ý với nội dung, thì cố gắng đừng bình luận về nó, càng không được tranh luận với diễn giả hay tham gia phản biện xem ai đúng ai sai.

 

  • Không được nhận xét về người đó. Bạn không nên bình luận về quần áo, phong cách, hay việc lựa chọn phụ kiện của họ, trừ khi chúng ảnh hưởng đến bài nói một cách rất cụ thể. Ví dụ nếu người nói đang đeo một bộ vòng tay gây ra tiếng động gây mất tập trung mỗi khi di chuyển tay, thì điều đó nên được chỉ ra. Tuy nhiên, những bình luận kiểu như "Hôm nay bạn mặc một chiếc váy rất đẹp" hay "Hôm nay bạn mặc một bộ đồ thật đẹp" là hoàn toàn không phù hợp.

 

Người nhận xét phải làm gì - Bản thân việc nhận xét

Thông thường, phương pháp khuyên dùng khi đưa ra Bài nhận xét được gọi là phương pháp "sandwich", kết hợp một lớp phản hồi tích cực và những điều bạn thích, rồi đến một lớp những điểm cần cải thiện, sau đó là một lớp kết luận về những điều bạn thích. Bánh sandwich có thể cao vài lớp nếu bạn tiếp tục lặp lại cấu trúc này.

Sandwich Approach Blank
bình luận tích cực

điểm cần cải thiện

bình luận tích cực

Mỗi lớp nên "dày" như thế nào? Điều đó phụ thuộc phần lớn vào trình độ và sự tự tin của diễn giả.

  • Đối với những diễn giả mới bắt đầu, tỷ lệ như 40% tích cực, 20% cần cải thiện, 40% tích cực mang tính khích lệ rất cao. Điều này có thể đồng nghĩa với việc trong phần nhận xét, bạn sẽ chỉ đề cập đến một vài điểm cần cải thiện, những điểm chính.
  • Tuy nhiên, những diễn giả giỏi hơn có lẽ sẽ thích tỷ lệ như 20%, 50%, 30%, nghĩa là năm, sáu điểm cần cải thiện và hai, ba điểm rất mạnh và tích cực.

 

Đưa ra phản hồi tích cực

Phản hồi tích cực thường là phần dễ nhất. Tuy nhiên, bạn rất dễ rơi vào một số bẫy:

  • Tán dương - Tán dương chắc chắn là điều tích cực, và ai cũng thích nghe tán dương, nhưng đó không phải là phản hồi. Sự khác biệt là lời tán dương không cụ thể, và diễn giả không thể biết chính xác mình đã làm gì để nhận được lời tán dương đó, để họ có thể lặp lại hoặc phát huy. Ví dụ "Bạn kể chuyện rất tốt. Thực sự rất tốt!” - đó chỉ là lời tán dương không cụ thể. Tuy nhiên, nếu bạn nói: "Bạn kể chuyện rất tốt. Tôi yêu nhân vật cô bé và cách bạn miêu tả chi tiết về nhân vật đó, cũng như cách bạn giả giọng cô bé", thì đó là phản hồi tích cực. Đặc biệt là hãy tránh xa những tính từ chung chung không có ý nghĩa gì như "đa dạng ngữ điệu tốt", "bài nói hay", "bài thuyết trình tuyệt vời", trừ khi chúng ngay lập tức đi kèm với lời giải thích tại sao bạn nghĩ như vậy.

 

  • Những thứ vặt vãnh - Đừng mắc bẫy đưa ra phản hồi tích cực hoặc - tệ hơn, thậm chí là tán dương - những vấn đề nhỏ nhặt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các diễn giả giỏi. Đối với một người mới bắt đầu, thật tốt và đáng khích lệ nếu bạn đề cập rằng họ không sử dụng ghi chú hoặc họ đã giao tiếp bằng mắt rất tốt và thậm chí bình luận về những điều đó. Tuy nhiên, đối với một diễn giả dày dặn kinh nghiệm, những điều này lẽ ra đã phải trở thành chuyện vặt vãnh. Thử đặt mình vào vị trí của một người đã thực hiện hơn 20 bài học và lần thứ 21, anh ấy được nghe rằng: "Bạn không sử dụng ghi chú, điều đó thật tuyệt vì...”.

 

  • Quá nhiều phản hồi tích cực. Quá nhiều điều tốt có thể không tốt. Tất cả các thành viên đều tham gia Agora để cải thiện và học hỏi. Nếu một Nhận xét bao gồm 80% (hoặc thậm chí tệ hơn, 100%) phản hồi tích cực, thì thành viên đó có thể nghĩ: "Ok, nếu tôi tuyệt vời như vậy, thì ngay từ đầu tôi đang làm gì ở đây?”.

 

  • Phản hồi tích cực như một cái cớ hoặc các tín hiệu lẫn lộn. Mọi người thường sử dụng phản hồi tích cực như một cái cớ hoặc giảm nhẹ cho những gì sắp nói ra sau đó. Bạn có thể thấy điều đó trong những cấu trúc như "Tôi yêu ..... NHƯNG .... ". Từ NHƯNG về cơ bản xóa đi bất cứ điều gì đã được nói trước đó và đánh dấu nó là phần giới thiệu không liên quan đến tuyên bố thực sau đó. Hãy tránh điều này. Phản hồi tích cực nên đứng độc lập.

 

Đưa ra phản hồi về điểm cần cải thiện

Trình bày phần này thường khó nhất. Khó vì có thể là:

  • Chúng ta không muốn chỉ trích
  • Chúng ta không chắc về trải nghiệm của chính mình
  • Chúng ta không chắc về trình độ của mình
  • Chúng ta không chắc liệu mình có nghe hoặc nhìn thấy đúng không.

Để giải quyết vấn đề đó, hãy nhớ rằng bạn không cho điểm diễn giả mà chỉ đơn thuần đang bày tỏ ý kiến của riêng mình và cho họ lời khuyên về cách cải thiện.

Để hữu ích, các điểm cần cải thiện phải:

  • Cụ thể. Một lần nữa, đây là điểm phân biệt giữa phê bình và phản hồi. Phê bình, giống như tán dương, không cụ thể và nhiều khi mang tính cá nhân. "Bạn sử dụng ngôn ngữ cơ thể hơi quá" là một ví dụ về phê bình. Tuy nhiên, nếu thay vào đó bạn nói: "Khi bạn nhảy lên bàn và bắt đầu hành động như một con khỉ đột, rồi treo mình trên đèn, tôi nghĩ điều đó hơi quá về ngôn ngữ cơ thể".
  • Cung cấp chỉ dẫn. Điều này có nghĩa là bạn không chỉ chỉ ra cụ thể những phần nào của bài thuyết trình có thể được cải thiện, mà còn tư vấn cách cải thiện chúng. Tiếp tục với ví dụ trước, bạn có thể thêm: "Tôi nghĩ chỉ cần đặt tay và uốn cong cơ thể như cách khỉ đột làm và đi bộ vài bước như thế này là đủ để biểu đạt".
     
  • Có thể hành động. Điều này có nghĩa là người đó thực sự có thể làm gì đó về điều mà bạn không thích. Ví dụ, nếu một người có giọng nói khàn khàn hoặc thô cứng, thì đó là giọng nói vốn có của họ. Sẽ không phải là phản hồi thực sự mang tính xây dựng khi nói với họ: "Tôi đề xuất khi bạn đọc thơ lãng mạn thì nên sử dụng một giọng khác, nhẹ nhàng và du dương hơn”.

Khi đưa ra những điểm cần cải thiện:

  • Đừng lặp lại những lời khuyên. Chỉ cần bạn chỉ ra chúng một lần là đủ, không cần phải chăm chăm lặp đi lặp lại chúng.
  • Đừng sử dụng ngôn ngữ mệnh lệnh. Bạn không phải là sếp của diễn giả. Cố gắng tránh "Bạn nên", "Bạn cần" (hay “Lạy Trời đừng có”, "Bạn phải" đáng sợ), hay nói chung là ngôn ngữ "chỉ tay". Thay vào đó, một cách được khuyên dùng là nói: "Thay vào đó, tôi sẽ làm điều này, điều này", "Tôi đề xuất bạn làm theo cách này", "Tôi gợi ý rằng bạn..", "Tôi sẽ đề xuất", v.v.
  • Đừng nói tuyệt đối. Hãy nhớ rằng bạn chỉ đang nêu ý kiến của mình chứ không phải là chân lý chung nào đó. Thay vì nói “Thiếu đa dạng về ngữ điệu”, hãy nói "Tôi không nhận thấy nhiều sự đa dạng trong ngữ điệu lắm - Tôi chỉ nhớ ba lần, khi bạn đóng giả cô bé, con sói và bà già”.
  • Đừng nói nhân danh người khác. Một lần nữa, điều này liên quan đến điểm trước đó. Bạn không cần phải chứng minh bất cứ điều gì với diễn giả hay khán giả. Ví dụ: "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng ngôn ngữ cơ thể có thể được cải thiện".
  • Cuối cùng, hãy nêu những gì bạn quan sát được thay vì đưa ra giả định về những lý do đằng sau. Ví dụ, đừng nói: "Tôi cảm thấy bài nói không được chuẩn bị tốt", vì bạn không có bất kỳ cơ sở nào cho giả định đó. Thay vào đó, bạn có thể nói rõ những gì mình thực sự cảm thấy: "Tôi cảm thấy có lúc bạn đã do dự hoặc không chắc chắn về những gì phải nói tiếp theo".

 

Kết luận bài Nhận xét

Phần kết luận của bài Nhận xét nên tóm tắt lại những điểm tích cực, những điểm cần cải thiện và kết thúc bằng một điểm ấn tượng mang tính động viên và khích lệ.

Cố gắng tránh sử dụng những lời sáo rỗng, đặc biệt là câu "Tôi mong chờ Bài nói tiếp theo của bạn" hay bị lạm dụng. Cố gắng sáng tạo. Hãy lên kế hoạch cho phần kết luận thậm chí trước cả bài nói.

 

Người nhận xét phải làm gì - Sau cuộc họp

Sau cuộc họp, hãy nói chuyện với người mà bạn đã nhận xét để xem liệu họ có không chắc chắn hay thắc mắc về điều gì không.

Ngoài ra, nhớ điền vào phiếu nhận xét của mình cho bài học đó.

 

Trở thành Người nhận xét giỏi

Như mọi khi, "có công mài sắt có ngày nên kim". Nhưng bạn không cần phải là một người nhận xét để "mài sắt". Ví dụ bạn có thể thực hiện tất cả các bước đòi hỏi cho việc nhận xét mà không cần phải phát biểu công khai. Và việc so sánh nhận xét của mình với nhận xét của Người nhận xét được chỉ định tại cuộc họp luôn mang lại nhiều thông tin bổ ích.

 

Khi bạn là người được nhận xét

Khi bạn là người được nhận xét, hãy chấp nhận lời nhận xét với sự khiêm tốn và xem đó như một món quà. Người nhận xét ở đó là để giúp bạn cải thiện. Đừng xem bất kỳ điều kỳ như đang chĩa vào con người mình.

Đừng tranh luận với Người nhận xét, chưa nói đến việc trong bản thân quá trình nhận xét - họ chỉ đang nêu ý kiến của mình và thông tin cho bạn cách họ nhìn nhận và cảm nhận về bài thuyết trình của bạn.

Nếu bạn muốn đưa ra bất kỳ bình luận nào hay thảo luận điều gì đó với họ, hãy làm điều đó sau cuộc họp.

 

Khi KHÔNG phải là Người nhận xét

Một khi bạn trở thành Người nhận xét năng động và được đánh giá cao trong câu lạc bộ của mình, bạn sẽ có xu hướng đem áp dụng các kỹ năng của mình ở nơi khác. Hãy làm điều đó một cách thận trọng, nếu có. Các diễn giả trong Câu lạc bộ đến với mục đích được nhận xét và được cung cấp thông tin phản hồi; họ mong đợi điều đó, và họ quý trọng điều đó. Đó không phải là trường hợp của phần đông mọi người, càng không phải đối với các diễn giả tại những sự kiện khác.

Thử tưởng tượng bạn đang tham dự một lễ trao giải, sau đó đến gần người chiến thắng sau buổi lễ và nói điều gì đó như: "Tôi thích bài phát biểu nhận giải của bạn. Tôi thích cách bạn nói lớn hơn để mọi người ngồi cuối căn phòng có thể nghe được tiếng bạn. Tôi có thể đề xuất bạn duy trì giao tiếp bằng mắt lâu hơn với khán giả được không? Tôi để ý bạn có xu hướng nhìn quá nhiều về cánh phải căn phòng và..."

Điều này có vẻ nực cười nhưng nó lại xảy ra.

Có một sự khác biệt giữa việc trở thành một giáo viên khi được yêu cầu tham gia và cung cấp phản hồi với việc lên lớp mọi người.

 

 


Contributors to this page: agora and nga.nguyen .
Page last modified on Tuesday November 23, 2021 16:34:28 CET by agora.